Nền tảng tâm linh là chất liệu để định hướng cuộc sống hạnh phúc. Thực hành tâm linh trong cuộc sống là nuôi dưỡng sự ổn định để mang lại thành đạt và hạnh phúc cho chính mình. Bốn Mùa luân chuyển qua rồi lại đến, Năm Mới lại đến, Xuân lại về trên khắp nhân sinh, đến với nhà nhà, có mặt với người người và có mặt với khắp Đất Trời. Hiểu được cái Đạo tự nhiên ấy là hiểu được Đạo của Trời Đất. Ứng dụng được cái Đạo của nhân sinh tức là làm cho cái Đạo ấy được thẩm thấu vào trong gia Đạo và khiến cho Đạo lý ấy lan tỏa khắp muôn phương hợp với Đạo Trời mà đồng thời cũng có được Đạo Nhân. Đạo ấy khiến cho nhân tâm quy kết để làm cho hưng thịnh, Đạo ấy soi lối để thông suốt mà hiển cái minh để tỏ cái đức sáng lạng làm điểm tựa cho nhân tâm mỗi ngày một yên. Đó cũng là Đạo thánh mà các bậc hiền trí thánh nhân hành hoạt hành Đạo cứu độ nhân sanh hành thánh Đạo mà đạt Đạo.
Vầy thì, Học Đạo như thế nào để được an vui, hạnh phúc giữa cuộc đời? Học Đạo như thế nào để được an cư hạnh phúc, học Đạo như thế nào để lạc nghiệp vinh hiển, học Đạo và ứng dụng Đạo như thế nào để thành đại nghiệp, học Đạo và ứng dụng Đạo như thế nào để hiển Tông mà thành thánh Đạo?
Kỳ thực Đạo ấy từ đâu mà có? Đạo từ tâm sinh. Đi học đạo là học cho ta, để nhận chân được tự tâm, để tạo nên cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Người có đạo không tự cho mình có nhiều học thức, người có đạo biết dùng một đạo lý cơ bản để thông suốt hết mọi vấn đề, người có đạo chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình.
Người học đạo có đạo thấu hiểu người, thông suốt bản thân mình, giống như núi cao vững vàng trước gió càng khiến người ta chiêm ngưỡng, giống như đại đạo khiến người ta tuân theo, trung dung nên có đạo, có đạo như vậy khiến cho mình không trở nên vô đạo. Khiến cho người học đạo càng học càng thấy đạo, chiêm nghiệm thấu triệt. Có đạo như vậy khiến cho đạo trở nên đạo lý rõ ràng thiết thực mà cao sâu không thể nghĩ bàn.
"Người học Đạo, ứng dụng Đạo vào nơi tự thân mình nên tự khai minh, thông đạt cái Đạo lý tu thân mà tự trị nên hiển cái đức tánh để soi lối.
Người học Đạo vì hiểu rõ cái nhân của tu thân là tự mình nhận thức tu sửa thân tâm của chính mình cho được trọn lành, vì luôn tự nhìn tự soi rọi vào chính bản thân mình nên thành tựu cái đức tánh của Nhân, có nghĩa, có tình, thấu tình đạt lý nên tu dưỡng nhân cách trở nên cân bằng.
Người học Đạo thuận theo tự nhiên mà thông đạt Đạo pháp, người đó có Bi có Trí Có Dũng. Có Bi mà không phán xét đo lường được mất vì tự nhận thức một cách sâu sắc cái cốt lõi của Bi là tình thương đích thực của sự thấu hiểu, có Trí mà không kiêu, không tự đắc vì tự minh để minh cái minh của người và vạn vật – vũ trụ, có Dũng mà không ngạo, không loạn vì thấu triệt sự sinh sôi lớn mạnh của người và vạn vật là quy luật của tự nhiên, là quy luật của sinh – tử.
Người tu thân luôn biết cách dưỡng tâm, kiệm đức, tiết dục, thấu rõ cái nhân làm lợi ích cho người chính là hoàn thiện cho cái đức nhân nghĩa của chính mình. Trong lời nói thì biết có giới hạn, có độ lượng và không ba ngoa khoác lác. Người đó là người yêu mến cái nhân nghĩa, chuộn cái đức hạnh nên hành nhân nghĩa, khoáng đạt bao dung. Ứng xử với cuộc sống có trên có dưới, có nghĩa có lễ, nhưng không bị lễ nghĩa thường tình bó buộc, khi đã vào cửa Đạo trung dung thì đã ngát cái hương vô vi mà ngất cao cái chí khí tiêu giao tự tại.
Tu thân có nhân thành đạt được cái đức nhân nghĩa là nhờ vào cái khuôn phép của đức hạnh vun bồi mà có. Đức làm cho người trở nên tự trị tự chủ, tự trị nên không buông thả theo dục, nên thành tựu được cái tĩnh tại, có an có vui tức là có trật tự hài hòa. Người học Đạo, ứng dụng Đạo vào nơi tự thân mình nên tự khai minh, thông đạt cái Đạo lý tu thân mà tự trị nên hiển cái đức tánh để soi lối. Có đức hạnh, có tĩnh tại, có minh triết nên có cái đức hạnh bao dung được cả trời và đất, các mối của nhân tâm thâu về một mối. Nơi nào hiển cái Đạo tu thân tự trị như vậy nơi đó trở nên văn minh thịnh trị.
Có nhân có nghĩa trong nhân cách, thông đạt cái lẽ tự nhiên của trời đất, tự trị tự chủ giữa sanh tử, khai minh minh triết nên vô ưu mà đạt Đạo. Đạo này lẽ thường tình của cái hiển của sự an vui, có trị có thái bình, có thành trụ nên có thay đổi hoại không, có nhận thức thấu triệt như vậy nên có tự do tự tại tiêu giao. Khi có thì có trong tất thảy, khi không có thì không không hết thảy mà tiêu giao ở chổ trung dung vô vi tự tại bên ngoài vòng của có và không, không bị ràng buộc bởi được – mất, khen – chê, tốt – xấu, khổ đau – hạnh phúc. Đó chính là viền mối tâm linh trong nhà Đạo, đó là chổ cầu học của người có Tâm học Đạo.
Chúc Mừng Năm Mới - chúc Tết Nhâm Dần 2022 an vui, hạnh phúc!
Pháp thoại và bài học ứng dụng tại Rừng Thiền Núi Pháp Hoa - Dharma Mountain Pháp Thuận Thiền Viện – Dharma Meditation Temple, Valley Center, California, USA.
An vui,
Thích Giác Chính - 法順.
"khi đã vào cửa Đạo trung dung thì đã ngát cái hương vô vi mà ngất cao cái chí khí tiêu giao tự tại.
Comments