top of page

Triết lý Hoa Sen và ý nghĩa Tam thừa trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Updated: Dec 27, 2021


Hoa sen là biểu tượng triết lý, tượng trưng cho sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên[1] trong Phật giáo. Phật giáo Đại thừa[2] sử dụng Liên hoa diệu pháp hay Diệu pháp liên hoa[3] là hình ảnh liên hệ mật thiết đến Niêm hoa vi tiếu[4] và là biểu ngữ ẩn dụ của Tam thừa.[5]

Hoa Sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp, trí tuệ dẫn đến Niết Bàn. Hoa sen là hình ảnh nhập thế một cách tích cực và tiêu biểu nhất. Trên thế giới ít có loài hoa nào có nhiều phẩm chất cao quý như hoa sen. Bởi vậy mà nhà Phật ví nó như những đức tính của người tu hành giải thoát. Điển hình như, khi lễ Tam bảo, hai bàn tay chắp lại làm thành hình hoa sen búp, được gọi là phép lễ lạy “Liên hoa hiệp chưởng”. Bộ Tam y của một vị thầy Tỳ-kheo dùng để mặc hàng ngày và trong nghi lễ được gọi là “Liên hoa phục” hay còn gọi là “Liên hoa y”. Trong thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà được gọi là “Liên Bang”. Theo Tịnh Độ tông hay còn gọi là Liên tông thì trong thế giới này có rất nhiều hoa sen tinh khiết, thơm ngát hương, v.v… Theo một số giải thích của Tổ sư Liên tông, các nhóm bạn thân hữu cùng tịnh nghiệp để tu tập được gọi là “Liên xã” và thời gian được dùng để niệm Phật được gọi là “Liên liêu”, v.v… Đôi lúc trong đời sống hàng ngày người ta khen tặng một người có đôi mắt trong sáng, tươi đẹp thì gọi là “người có mắt sen” như người Ấn Độ đã gọi “Sri Krishna”, có nghĩa là đôi mắt hoa sen, v.v… rất nhiều ví dụ thú vị.


Ý nghĩa chung nhất cho triết lý loài hoa tinh khiết này là sự tượng trưng cho Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng và là biểu tượng của các đức hạnh Trí tuệ, Hỷ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi. Hoa sen mọc trong đầm nước, từ một cõi trần ô trọc, bùn dơ nước đục đã vươn lên trở thành một bông hoa thanh cao, bông hoa thơm ngát, bông hoa của vũ trụ. Bông hoa này đã đi vào tâm thức của mọi người, trở thành hình tượng trong nghệ thuật, văn chương, kiến trúc - điêu khắc và cả trong đời sống hằng ngày... Đặc biệt, hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật triết lý của Phương Đông. Nó tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo, tư tưởng sâu kín.

Thay Thich Giac Chinh, Dharma Mountain's spiritual teacher performed the Three Jewels, walking meditated across the Metta stream at Dharma Mountain.
Thầy Thích Giác Chinh.

Trong nghệ thuật Việt Nam, hình tượng hoa sen dày đặc từ các phù điêu, đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật đến các dáng gốm và họa tiết trang trí. Hoa sen đã hóa thân vào những bài ca dao, tục ngữ, và câu truyền khẩu trong dân gian, đó là sự dung hòa triết lý Phật giáo và triết lý dân tộc Việt Nam:


“Trong đầm gì đẹp bằng sen Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng…”


Hay:


“Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,

Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.

Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.

Cái lý tu hành cũng thế thôi.”


Sở dĩ người ta cho rằng hoa sen luôn gắn với Phật giáo là vì ở loài hoa này trong hoa đã có quả, nên cách gọi bao hàm nghĩa rộng trong trường hợp này là “vị liên cố hoa”, tượng trưng cho ý nghĩa của triết lý “nhân quả”, mang ý nghĩa Đạo đức học trong triết học Phật giáo.


Ở Việt Nam, có một vài huyền thoại gắn với hoa sen như trong các sách sử phả ký và trong Đại Việt sử ký có ghi: khi Hoàng Hậu Đặng Thị[6] có thai vua Lê Đại Hành (941 - 1005), nhân một đêm nằm ngủ Bà mơ thấy bụng nở hoa sen. Đức vua Điều ngự Giác Hoàng – Trần Nhân Tông (1258 - 1308) nằm ngủ ở trong Chùa Tư Phúc mơ thấy ở bụng mình, ngay rốn mọc lên một hoa sen, trên hoa sen có một vị Phật thân mình vàng sắc ánh. Vào năm 1049, vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) mơ thấy Đức Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dắt vua lên ngự ở tòa chính điện trong cung. Chính vì thế mà Liên Hoa Đài[7] (蓮 花 臺) tức là “đài hoa sen” được xây dựng phỏng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông, còn được gọi là Diên Hựu Tự (延 祐 寺) hay Chùa Một Cột, hiện nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đó là một số hình ảnh liên đới giữa truyền thống dân tộc và Phật giáo Việt Nam biểu hiện qua triết lý hình tượng hoa sen trong Đạo Phật.


Trước khi tìm hiểu ý nghĩa và giá trị Tam thừa trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thiết nghĩ trước hết chúng ta cần hiểu sơ lược về từ nguyên của đề kinh. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa theo tiếng Phạn (Sanskrit) là Saddharmapuṇḍarīka-sūtra. Trong bản dịch Hán Tạng – Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (大 正 新 脩 大 藏 經) cao Tăng đời Tây Tấn, nước Nguyệt Thị là Tam Tạng Trúc Pháp Hộ[8] dịch từ “Sad”[9] trong Phạn bản là “Chánh” như thấy trong Đại Tạng “正 法 華 經”[10], nhưng Ngài Tam tạng Pháp sư Cưu-ma La-thập đời Hậu Tần nước Quy Tư phụng chiếu dịch”[11] từ “Sad” trong Phạn bản là “Diệu” như đã được thấy trong Đại Tạng là “妙 法 蓮 華 經”[12]. Ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Tịnh cũng dịch là “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”[13]; “Dharma”[14] là Pháp; “Puṇḍarīka”[15] là Hoa Sen Trắng; “Sūtra”[16] là Kinh. Ở Việt Nam các dịch giả dịch đầy đủ là “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” như đã thấy lâu nay đã truyền bản, còn được gọi tắt là Pháp Hoa Kinh.


‘Phương’ theo tiếng thuần Việt là phương hướng, phương pháp, phương tiện, v.v…, ‘Tiện’ là dễ dàng, thuận lợi, tiện dụng, tiện ích, tiện lợi, tiện nghi, v.v… “Phương tiện” được hiểu và sử dụng như là một phương pháp thiện xảo, thường xuất hiện trong các bản kinh tiếng Phạn là: upāya-kauśalya (S.), và một số ít kinh điển Pàli là: upāya-kusala.


Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật Thích Ca đã thị hiện để giúp chúng sanh “ngộ nhập Phật tri kiến”. Có nghĩa là Phật chỉ tuỳ cơ duyên, sử dụng các phương tiện bằng niềm tin (S. upāya) mà nói Tam thừa nhưng thực chất chỉ có Phật thừa (S. buddhayāna) dẫn đến giác ngộ. Quan điểm này được làm sáng tỏ bằng ẩn dụ một người cha vì muốn cứu những đứa con ham chơi, không biết nghe lời ra khỏi căn nhà đang cháy nên người cha đành phải hứa cho mỗi người con một món quà tuỳ ý thích của chúng, đứa thì được xe nai, đứa xe dê,... để dụ chúng ra ngoài. Đó là lối giáo hóa tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, cho hữu tình. Đó là kim chỉ nam cho Phật giáo ứng dụng nhập thế.


Triết lý này như một định hướng có thể vận dụng để giải quyết các vấn đề về xã hội. Hãy cố giúp mọi người, mọi ngành khoa biết rõ về bản chất sự vật hiện tượng vốn y như thật, y như bản nguyên, dù được biểu hiện ở khía cạnh nào đi nữa thì chẳng qua đó chỉ là phương tiện. Do vậy, con người trong xã hội cần phải sống hòa hợp, hòa bình, phát triển và tiến bộ.

_____________________________

[1] Monier-Williams, Sanskrit – English Dictionary, phiên bản offline chạy trên Windows.

[2] H. 大 乘, S. Mahāyāna, dịch âm Hán-Việt là Ma-ha-diễn-na (H. 摩 訶 衍 那) hay Ma-ha-diễn (H. 摩 訶 衍), tức là “cỗ xe lớn” hay còn gọi là Đại Thặng tức là “bánh xe lớn” là một trong hai trường phái lớn của Phật giáo; trường phái còn lại là Theravāda (P.), S. Hīnayāna.

[3] 經 文 資 訊, 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊, No. 262 “妙 法 蓮 華 經”: (Kinh văn tư tấn), Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, đệ cửu sách, số 262, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Một trong những bộ kinh mà Phật giáo Đại thừa xem quan trọng nhất, được lưu hành rộng rãi đó là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (H. 妙 法 蓮 華 經, S. saddharmapuṇḍarīka-sūtra), cũng được gọi vắn tắt là kinh Pháp hoa (H. 法 華). The Lotus Sutra, Tshò Volume 9, Number 262, Translated from the Chinese of Kumàrajiva, by Tsugunari Kubo and Akira Yuyama, Numata Center for Buddhist Translation and Research, 2007. Trong dịch bản English, các dịch giả, các nhà xuất bản dịch Saddharmapuṇḍarīka-sūtra là: “The Lotus Sutra” hoặc là “The Saddharmapundarika Sutra” do An abridged rendering produced for WBO Day ’99 ấn hành và phiên dịch.

[4] Niêm hoa vi tiếu (H. 拈 花 微 笑) có nghĩa là: cầm hoa mỉm cười. Đây là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật đưa cành hoa lên khai thị, Tôn giả Ca Diếp mỉm cười, là ý nghĩa chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết-bàn.

[5] H. 三 乘, S. Triyāna; là ba cỗ xe đưa đến Niết-bàn (H. 涅槃, S. Nirvāṇa, P. Nibbāna), đó là Thanh Văn Thừa (H. 聲 聞 乘, S. śrāvakayāna), Độc giác thừa (H. 獨 覺 乘, S. pratyekabuddhayāna) và Bồ-tát thừa (H. 菩 薩 乘, S. bodhisattvayāna).

[6] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển 1, Kỷ Nhà Lê, Mục Đại Hành Hoàng Đế.

[7] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản kỷ toàn thư, quyển 2.

[8] 經 文 資 訊, 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊 No. 263 “正 法 華 經” (Kinh văn tư tấn), Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh đệ cửu sách, No. 263, Chánh Pháp Hoa Kinh.

[9] Vaidya, Dr. P.L ed. Buddhist Sanskrit Texts No. 6 Saddharmapuṇḍarīka-sūtra, Darbhanga: The Mithila Institute, 1960.

[10] Sđd, 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊 No. 263 “正 法 華 經”.

[11] 經 文 資 訊, 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊, No. 262 “妙 法 蓮 華 經”: (Kinh văn tư tấn), Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, đệ cửu sách, 262, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

[12] Sđd, 大 正 新 脩 大 藏 經 第 九 冊, No. 262 “妙 法 蓮 華 經”.

[13] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dịch giả: HT. Thích Trí Tịnh, Nxb Tôn Giáo, 2008.

[14] Sđd, Vaidya, Dr. P.L ed. Buddhist Sanskrit Texts No. 6 Saddharmapuṇḍarīka-sūtra.

[15] Sđd, Vaidya, Dr. P.L ed. Buddhist Sanskrit Texts No. 6 Saddharmapuṇḍarīka-sūtra.

[16] Sđd, Vaidya, Dr. P.L ed. Buddhist Sanskrit Texts No. 6 Saddharmapuṇḍarīka-sūtra.

Comments


bottom of page