top of page

Tại sao lại có Lễ Tắm Phật trong Lễ Phật Đản: Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật


Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á, Trung Hoa, Việt Nam và Mỹ như bây giờ. Ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi trên thế giới như là một cử chỉ để tỏ lòng tôn kính, hân hoan và an lạc của người con Phật đối với sự xuất hiện Đản Sanh của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.


Thái tử Tất-đạt-đa được sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbinī), ngày nay thuộc Nepal. Theo các kinh điển Phật giáo, ngay từ lúc sinh ra, Ngài đã có đầy đủ tướng tốt (Ba mươi hai tướng tốt). Do đó, các nhà tiên tri đều cho rằng sau này sẽ trở thành một đại đế vĩ đại (Chuyển Luân Thánh Vương) hoặc là một thánh nhân xuất thế, một bậc giác ngộ tối thượng (Phật).


Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Trong Văn học Kinh tạng đã miêu tả lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Đến thời kỳ sau này, trong tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại sự kiện như vậy để truyền cho đời hậu thế.


Về khu vườn Lâm-tỳ-ni, vào thời Đức Phật tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh ra Thái tử Tất-đạt-đa tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Theo khảo sát, các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mada với tay phải cầm một nhánh của cây Vô Ưu (Asoka), đứa trẻ sinh ra đã đứng thẳng trên những cánh hoa sen,với sự xuất hiện của các chư thiên của nhà trời đến tán thán và rải hoa cúng dường.


Năm 249 TCN, khi vua A-dục vương (Ashoka) đến thăm Lâm Tỳ Ni, nó còn là một ngôi làng phồn thịnh. Vua A Dục đã cho xây dựng bốn ngôi tháp và một cột trụ bằng đá. Cây cột trụ bằng đá được khắc chữ và dịch ra như sau: "ta là vua A Dục, là niềm tin tưởng của chư thiên, trong 20 năm trị vì này, ta đã thực hiện một chuyến thăm của hoàng gia đến nơi đức Phật được sinh ra tại đây… Lâm Tỳ Ni được giảm một phần tám thuế (chỉ)".


Nguồn gốc của sự xuất hiện Lễ Tắm Phật tại Ấn Độ tuy chưa xác định được là lúc nào, nhưng có một điều chắc chắn là nghi lễ này hình thành và phát xuất từ Ấn Độ trước khi được lưu truyền đến các quốc gia Phật giáo khác trên thế giới. Truyền thống Ấn Độ vốn hay sử dụng nước để dự lễ tắm tượng của một các vị trời. Từ xa xưa, tín đồ Ấn giáo xem nước là vị nữ thần linh thiêng, mà đặc biệt là Sông Hằng là một vị nữ thần sông họ quan niệm nước của con sông này có khả năng rửa sạch tội lỗi cho những ai được tắm và cầu nguyện ngay trong dòng sông ấy. Nhưng trong kinh Tự thuyết (Udāna), Đức Phật đã khẳng định rằng không có nước của sông nào có thể rửa sạch được tội lỗi và làm cho con người ta được thanh tịnh, dù có tắm ngàn lần trong dòng sông Hằng hay sông Già-da, chỉ có sự đắm mình trong dòng sông giáo pháp, mà chính trong sự thực hành pháp chân chính mới giúp cho con người được tịnh hóa thân tâm, có lẽ đây là ý nghĩa tắm Phật trong Phật giáo, nghi lễ này được những Phật tử có thực hành và có chánh kiến sử dụng như là một việc làm để tự bạch hóa thân tâm.


Đối với Bậc giác ngộ như Đức Phật và các vị giác ngộ đạt quả vị A La Hán thì việc phát khởi tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai, lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức, vì việc làm phát xuất từ tâm thành thanh tịnh.


Đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên việc tắm Phật là một cơ hội để hành giả thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, tập hạnh khiêm dường, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật và những lời dạy của Ngài, tức là hướng đến sự trau dồi để viên mãn đức hạnh, lòng từ bi và tuệ giác. Vì vậy khi tắm tôn tượng Đức Phật nên dùng các loại hương thơm như ngưu đầu chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, uất kim hương, long não, xạ hương… pha vào nước sạch, đựng trong bình sạch. Chọn một nơi thanh tịnh, đẹp đẽ thiết lập đàn tràng, hoặc vuông hay tròn, kích thước xứng hợp, trên đàn đặt một bệ tắm, ở giữa bệ này tôn trí tượng Phật. Khi tắm tượng thì dùng nước nóng hoặc ấm thơm, trong sạch tinh khiết rưới từ trên xuống.


Nước dùng để tắm này phải được lọc cho thật sạch để không làm tổn hại đến các vi trùng. Trong một số truyền thống đã xem việc lấy hai ngón tay thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng rồi nhỏ lên đầu, thì nước này được gọi là nước cát tường. trong sử ký còn lưu truyền rằng, nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác.


Tưới tẩm dòng nước mát Tắm vào thân Đức Phật Con nguyện cho Trời Đất Hoà điệu cùng an vui!


Từ trong lòng Đất sâu Thẩm thấu tình thương lớn Con nguyện cho mọi loài Khắp cùng được xanh tươi!


Từ nơi tâm thức này Chiếu soi trong nhân loại Con nguyện cho Sông Núi Được thạnh trị thanh bình!


Từ trong lòng con trẻ Hướng về tới cội nguồn Con nguyện Người an vui Nhập Phật cảnh rong chơi!


Từ nơi lời khấn nguyện Sáng bừng lên ba cõi Con nguyện đời tinh khôi Chuyển pháp giới an lành!


Quan trọng nhất vẫn là tâm thành và hướng lòng mình đến sự tươi mát, thanh tịnh từ bên trong của chính mình, những tâm lành phát khởi từ ý niệm và lòng mong ước chính đáng của mỗi người tham dự lễ sẽ là những yếu tố tối quan trọng để tự chuyển hóa, điều phục và thăng hoa tâm thức của mình trong cuộc sống. Đó là cơ duyên hy hữu để mỗi người gội rửa thân tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao lâu nay mà mình đã vô tình hay cố ý phạm phải, để từ đây hướng đời mình đến sự tịnh hóa ba nghiệp, từ bỏ những niềm vui tầm thường, xa lìa tâm ích kỷ nhỏ nhen mà hướng đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn, mang lại niềm an vui, hạnh phúc cho tha nhân.



An vui, Thiền Thất Vô Ưu,

Rừng Thiền Dharma Mountain Pháp Thuận Thiền Viện,


Thích Giác Chính.



bottom of page